Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Chính sách “viễn giao cận công” của Trung Quốc

Chuyến công du kéo dài 5 ngày của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Hunggary, Anh và Đức, bắt đầu từ hôm 24/6, là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng - trong bối cảnh Trung Quốc đang có những căng thẳng với Mỹ và một số nước ASEAN do cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Theo báo “Sankei", chuyến công du này là bước đi nằm trong chiến lược “viễn giao cận công” (giao hảo với các nước ở xa, tấn công các nước ở gần) mà Bắc Kinh học theo 36 phép trong binh pháp quân sự thời xưa. Để thực hiện kế sách đó, Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận với các nước nhỏ trong EU với mục tiêu tác động vào các quyết sách của nhóm các nước này.
Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU, chỉ sau Mỹ. Ngoài việc nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD, Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào việc nắm giữ đồng tiền chung châu Âu (euro). Chuyên gia cao cấp về Trung Quốc của Ủy ban đối ngoại châu Âu, ông Jonas Parello Plesner, cho biết 40% số vốn đầu tư của Trung Quốc hiện tập trung vào các nước EU đang gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Ông Plesner cho rằng với việc mua số lượng lớn trái phiếu của Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, Trung Quốc có cơ hội thuận lợi là tạo được mối liên hệ tốt đẹp với các thành viên của EU.
Hiện cơ chế quyết định các vấn đề cơ bản như chính sách an ninh hay ngoại giao của EU được xác định dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa các thành viên nên lá phiếu của các nước nhỏ cũng có giá trị ngang bằng với các cường quốc như Anh và Đức. EU vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Trung Quốc, đồng thời áp đặt các tiêu chuẩn của EU đối với Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư công. Do vậy, việc tạo ra quan hệ hữu hảo với một số thành viên trong EU sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh trong quan hệ với EU.
Cũng theo nhận định của chuyên gia Plesner, việc vừa tạo dựng quan hệ tốt đẹp với các nước nhỏ trong EU, vừa tập trung đàm phán với các nước lớn cũng là một chiến thuật ngoại giao mang sắc thái Trung Quốc. Ngay trước khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo công du châu Âu, Chính quyền Bắc Kinh đã phóng thích nhà hoạt động đối lập Ngải Vị Vị sau hai tháng giam giữ. Do vậy, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel sắp tới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hoàn toàn có thể tập trung thảo luận lần đầu tiên các vấn đề kinh tế ở cấp chính phủ sau nhiều năm. Trong bài bình luận đăng trên "Thời báo Tài chính" (Anh), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể khống chế được tình trạng vật giá leo thang tại nước này, một nguyên nhân được coi là gây ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế thế giới.
Ngược lại với việc tăng cường quan hệ với các nước ở xa, chuyên gia bình luận Timothy Garton Ash của báo "Người Bảo vệ" (Anh) cho rằng sẽ thật đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc không gây ra các cuộc tranh chấp bằng vũ lực với các láng giềng “nhỏ” trong vòng 10-20 năm nữa trong bối cảnh nước này ngày càng trỗi dậy. Do vậy, quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á và Mỹ chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, khi đó châu Âu sẽ trở thành khu vực “dễ thở” hơn để Trung Quốc triển khai đường lối ngoại giao của nước này.