Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Từ TERRY FOX đến LANCE ARMSTRONG …

Một buổi tối tình cờ mở tivi, xem được một bộ phim đang phát dở dang nói về một thanh niên bị ung thư xương ở đầu gối chân phải, quyết tâm chạy xuyên Canada để quyên tiền nghiên cứu bệnh ung thư. Đó là anh Terry Fox, một người thanh niên nổi tiếng nhất ở Canada trong thế kỷ 20. Anh sinh ngày 28/7/1958 tại Manitoba, một vùng phía tây của Canada, phát hiện bị ung thư xương ở đầu gối chân phải vào  năm 1977 và mất vào ngày 28/6/1981, khi còn đúng một tháng nữa là đến sinh nhật 23.

 terryfox2
Ngày 12/4/1980, Terry Fox với một chiếc chân lành và một chiếc chân giả đã bắt đầu cuộc chạy “Marathon of Hope” vòng quanh Canada, với ý định quyên góp mỗi người dân Canada 1USD để nghiên cứu cách chữa trị bệnh ung thư. Anh chạy mỗi ngày 42km. Sau 143 ngày, khi anh vượt được 5.373km (tương đương 3.339 dặm, dự tính còn hơn 1.000 dặm nữa mới kết thúc)  thì anh phải nhập viện vì bệnh ung thư xương di căn vào phổi.
Trong phim có nhiều cảnh rất cảm động. Cảnh Terry Fox chạy đơn độc một mình trên một đoạn đường dài (chỉ thấy đồi núi chập chùng, đường lên dốc xuống dốc),   phía trước là chiếc xe tải (kiêm nhà lưu động cho Terry Fox) do cậu bạn thân Doug cầm lái. Doug không nói nhiều, chỉ thấy  ánh mắt anh dõi theo đầy vẻ thương cảm và lo lắng mỗi lần Terry dừng lại nghỉ mệt, nhất là cảnh gần cuối phim, khi Doug thấy Terry thường bị ho và tỏ ra rất mệt sau mỗi lần chạy. Thương, muốn ngăn bạn dừng lại nhưng Doug chỉ biết nín lặng nhìn  bạn, nín lặng khi nghe bạn nói : “Mọi việc ngày càng khó, chân tớ không vừa nữa, tớ bị ho, ngực bị đau”.
 Rồi cảnh Doug nói với Terry :  “Cậu đừng gọi tớ là đồ khốn nữa nhé !” – khi hai người ngồi nghỉ mệt tại một nghĩa trang.  Trước đó, khi được người dân địa phương đón tiếp nồng hậu, Terry đã nói lên lòng biết ơn của mình : “Tôi không chạy một mình, vì còn có Doug, người đã hứng chịu những cơn giận dữ vô cớ của tôi !”.
 Terry là một thanh niên hiền lành, hay cười, nhưng căn bệnh ung thư và tác dụng phụ của những liệu pháp chữa trị đã khiến anh biến đổi : thường cau có, giận dữ vô cớ, và Doug là người gần bên anh nhất,  đã phải hứng chịu nhiều nhất.
Cảnh cảm động khác là khi Terry chạy đến một thị trấn nhỏ, lẫn trong đám đông người dân địa phương đón Terry,  một bà mẹ đã nói nhỏ với anh : “Tôi cũng có một đứa con bị ung thư đang nằm ở nhà”, Terry nhìn người phụ nữ đầy thương cảm : “Tôi đang chạy vì con của bà !”. Một cảnh khác, một cậu bé 10t bị ung thư xương ở chân giống như Terry đã đạp xe đạp theo Terry suốt một đoạn đường dài.Terry đã nhìn em thán phục : Sao em đạp xe được vậy ? (vì cậu bé cũng đã bị cắt một chân đến háng và phải mang chân giả). Cậu bé đã cười và khoe “Em còn biết bơi nữa đấy, anh có muốn tập theo em không ?”. Nhìn cảnh hai anh em – chỉ còn một chân như nhau – tập bơi và vui đùa trên dòng sông, mới thấy căn bệnh ung thư dù nghiệt ngã đến đâu cũng không thể ngăn nổi khát vọng sống bình thường ở mỗi con người. Họ cười vui, còn người đứng xem, nước mắt chảy tràn !
Dù không thực hiện được hết lịch trình cuộc chạy như dự định, “Marathon of Hope” đầu tiên của Terry Fox đã quyên góp được 24 triệu USD.
 Khi xem phần giới thiệu cuối, mới biết nhân vật Terry Fox do một diễn viên thủ vai. Ngoài phần hóa trang gương mặt rất giống với hình ảnh của anh ngoài đời, đáng nói là phần chân phải, với cái chân giả gắn đến tận háng, sao mà giống hệt như người bị ung thư xương đã bị cắt bỏ chân, giống như Terry Fox thật đang diễn vậy !
 Marathon of Hope sau đó đã trở thành một cuộc chạy từ thiện quyên góp tiền nghiên cứu chữa trị bệnh ung thư được Đại sứ quán Canada tổ chức ở hơn 10.000 điểm chạy trên thế giới, với hàng triệu người tham gia. Đó là sự kiện gây quỹ từ thiện thành công nhất, với số tiền quyên được đến nay hơn 400 triệu  USD.
Ở VN, Terry Fox Run đã được tổ chức đầu tiên từ năm 1997 tại TP.HCM.  Kể từ đó đến nay đã có 60.000 người ở TP.HCM và Hà Nội tham gia cuộc chạy.  Từ năm 2000, Terry Fox Run đã quyên góp được 3,5 tỷ đồng cho việc nghiên cứu chữa trị ung thư ở VN.
 Cuộc chạy Terry Fox năm 2008  do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội đăng cai tổ chức sẽ diễn ra  tại hồ Thiền Quang vào ngày 23/11/2008. Tất cả số tiền quyên được từ sự kiện này sẽ dùng để hỗ trợ một dự án nghiên cứu ung thư do bệnh viện U bướu Hà Nội thực hiện. Hy vọng là bệnh nhi ung thư VN sẽ có cơ hội chữa trị tốt hơn từ việc nghiên cứu này !
Ngoài Terry Fox, thế giới còn biết đến một huyền thoại sống phi thường khác là Lance Armstrong, một người Mỹ, cũng mắc bệnh ung thư nhưng sau khi chữa khỏi đã 7 lần đoạt cúp đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) , một kỷ lục chưa ai làm được. Lance cũng là bệnh nhân ung thư hiếm hoi được chữa khỏi, dù khi phát hiện đã bị di căn sang não và phổi.
lance_armstrong_7_23_051
 Lance sinh năm 1971 ở Dallas, bang Texas. Năm 1996, Lance phát hiện bị ung thư tinh hoàn di căn sang não và phổi. Năm 1997, khi chữa trị khỏi, Lance đã tham gia vào đội đua xe đạp của ngành bưu điện Mỹ và thành lập quỹ Lance Armstrong giúp những bệnh nhân ung thư, với khẩu hiệu rất nổi tiếng là “Live Strong”.  Hoạt động gây quỹ hiệu quả nhất của Lance là việc bán những miếng da bao cổ tay màu vàng có khẩu hiệu  Live Strong với giá 1USD. 50 triệu miếng da bao cổ tay màu vàng có dòng chữ Live Strong đã được bán hết trên toàn thế giới. Năm 2005, Lance đã được tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ xếp vào vị trí 15 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên nước Mỹ.

Nếu có thời gian click vào trang web của Lance :
http://www.lancearmstrong.com/, bạn sẽ ngạc nhiên trước lịch hoạt động không ngừng của Lance. Mới nhất là sự kiện ngày 10/11/2008 : Lance tham gia cuộc đua xe đạp ở núi Texas và lại thắng giải trong cuộc đua này !
Có phải sự nghiệt ngã của căn bệnh ung thư càng khiến Lance thêm yêu cuộc sống và tranh thủ sống đến từng giây phút một trong cuộc đời ?
 Tất nhiên, thật khó để trở thành một Terry Fox hay một Lance Armstrong ; thật khó có thể Live Strong – sống mạnh mẽ -  như hai con người phi thường đó, nhưng cư xử tốt với mọi người và trở nên hữu ích cho những người sống xung quanh mình là điều ai cũng có thể cố gắng, dù cho cuộc đời có chịu nhiều mất mát, khổ đau…./.

(Nguồn: Bensmile Charity)