Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Hậu xuất khẩu lao động


18/03/2011
Lao động đã từng đi xuất khẩu là một nguồn nhân lực
 có tay nghề lẫn kinh nghiệm.

Để có cái nhìn toàn diện về bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ), Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã phối hợp với Cục quản lý Lao động ngoài nước tiến hành khảo sát tại 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình và Bắc Giang về thực trạng người lao động đi xuất khẩu lao động đã trở về nước. Đối  tượng khảo sát là người lao động (NLĐ) đã từng làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia về nước trong thời gian từ năm 2004-2008. Kết quả khảo sát cho thấy tác động của XKLĐ đến tình hình kinh tế- xã hội của địa phương là rất rõ rệt. XKLĐ không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua trình độ chuyên  môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tư duy kinh tế cho người lao động. Cụ thể, năm 2009, người đi XKLĐ của Bắc Giang đã gửi về cho gia đình lên tới 1.135 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 110 tỷ đồng, Thái Bình 800 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng. Riêng huyện Lạng Giang (Bắc Giang), số tiền người đi lao động xuất khẩu gửi về hàng năm là 120 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách địa phương là 47 tỷ đồng.


Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thu Nga, Trưởng nhóm khảo sát thuộc Viện Khoa học Lao động-Xã hội trước khi đi xuất khẩu lao động, 88,3% lao động đang có việc làm nhưng chủ yếu là các công việc chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu và phần lớn không thuộc diện được ký hợp đồng lao động. Do đó, khi trở về nước, phần lớn NLĐ trở lại với công việc lao động giản đơn hoặc nông nghiệp với thu nhập tương đối thấp (chỉ gần 2 triệu đồng/tháng). Nguyên nhân, theo bà Nga là NLĐ khó tìm việc ở khu vực chính thức, các doanh nghiệp do thiếu thông tin và trình độ chuyên môn thấp.


Cần có chính sách hỗ trợ tạo việc làm mới
Tại buổi công bố kết quả đánh giá thực trạng người đi làm việc ở nước ngoài đã trở về nước tổ chức ngày 16-3, nhiều chuyên gia  đưa ra cảnh báo: Hiện thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề thì có một bộ phận không nhỏ lao động đi XKLĐ trở về nước có kỹ năng và tay nghề cao phải quay về làm ruộng vì thất nghiệp. Nếu không có những chiến lược phù hợp đào tạo nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lao động tay nghề cao từ các nước bạn. Trên thực tế Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ về đào tạo cũng như hướng nghiệp cho lao động trong nước nhưng những chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau khi xuất khẩu lao động trở về vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, lao động đã từng đi xuất khẩu là một nguồn nhân lực có tay nghề lẫn kinh nghiệm.


Theo đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, sở dĩ NLĐ đi XKLĐ trở về nước khó tìm được việc làm vì không được hỗ trợ việc làm nên làm việc trái nghề, tạm thời hoặc thu nhập thấp phải bỏ việc. Ngoài ra, chưa có sự quan tâm của các cơ quan chức năng tại địa phương về việc tư vấn, giúp họ sử dụng vốn đúng mục đích, nên hầu hết NLĐ khi đi XKLĐ về số tiền tích lũy được đều trang trải nợ nần và xây nhà, mua sắm. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra rằng có đến 53%  thu nhập được NLĐ sử dụng để xây nhà, gần 29% mua sắm đồ đạc và hơn 24% đầu tư cho con cái học hành.


Để giúp NLĐ sử dụng vốn hiệu quả cũng như tránh lãng phí nguồn nhân lực các ý kiến đều cho rằng cần có chính sách khai thác hợp lý, tạo ra những kênh kết nối giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh  đó các địa phương phải có những chính sách hỗ trợ NLĐ khi tìm việc làm.