Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Không để người lao động bị lợi dụng

Điểm mặt một số tổ chức phản động mà lao động Việt Nam ở nước ngoài không nên tìm đến.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải chấn chỉnh công tác quản lý; kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, yêu cầu trên xuất phát từ tình trạng một số tổ chức phản động ở nước ngoài thông qua hình thức trợ giúp nhân đạo đã lợi dụng kích động, lôi kéo NLĐ nhằm xuyên tạc,  chống phá quan hệ hợp tác lao động và quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước trong thời gian gần đây.

Lợi dụng tranh chấp

Một trong những vụ việc gần đây nhất liên quan đến trường hợp lao động N.V.L, quê ở một tỉnh miền Trung. Anh N.V.L  ký hợp đồng với một DN sang Malaysia làm việc thông qua công ty môi giới Vital Manpower ở Kuala Lumpur. Do bị trừ lương vào chi phí được tạm ứng trước khi đi không hợp lý và bị thu thêm cho mỗi lần chuyển chủ, anh N.V.L đã khiếu nại. Ngày 1-10-2010, không biết bằng cách nào, Văn phòng Trợ giúp công nhân Việt Nam (Tanagatina) ở Penang, thành viên Liên minh Bài trừ nô lệ mới ở châu Á – Mỹ (gọi tắt là CAMSA) tiếp cận và chuyển hồ sơ của anh N.V.L đến một nhà thờ Công giáo ở Johor. Đầu tháng 12-2010, hai tổ chức này hỗ trợ pháp lý để anh N.V.L kiện ra Tòa Lao động bang Johor.
Trước đó, một nhóm 8 lao động Việt Nam làm việc cho hãng sản xuất nhôm Spektra Alucast khiếu nại về việc hãng này ăn chặn lương của họ. Sau khi tranh chấp xảy ra, họ bị cảnh sát bắt giữ do không có giấy tờ tùy thân. Vụ việc nhanh chóng được Tanagatina của CAMSA can thiệp và phát đơn kiện vào giữa tháng 12-2010.
Một trong những vụ việc có quy mô lớn hơn có sự giật dây của tổ chức phản động,  đó là vụ  đình công của 167 lao động Việt Nam ở Jordan trước đó. Trong vụ này, Ủy ban Cứu trợ thuyền nhân (Boat People SOS) ở Mỹ mà người cầm đầu là Nguyễn Đình Thắng, cũng là người sáng lập tổ chức CAMSA nói trên, đã kích động NLĐ đình công, gây rối. Một số vụ việc khác như vụ 29 lao động hết hạn không về nước bị bọn phản động kích động ở lại kiện công ty môi giới Mỹ; vụ 10 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Đài Loan bị cảnh sát Nam Cực bắt và xét xử ở Cape Town ngày 5-5-2009... đều có sự giật dây của các tổ chức phản động ở  nước ngoài...

Lỗi chính thuộc về doanh nghiệp

Có thể thấy rõ ở những vụ việc trên, thông qua chiêu bài “bảo vệ quyền lợi” hay “trợ giúp nhân đạo”, các tổ chức chống đối, phản động đã kích động NLĐ đình công,  gây rối trật tự xã hội để xuyên tạc Việt Nam “buôn người” thông qua hình thức XKLĐ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chính cách làm XKLĐ không tốt của DN đã dẫn đến tình trạng trên. Năm 2007, hàng trăm lao động được một DN đưa sang làm cho một công ty may ở Malaysia không được trả lương đúng như hợp đồng, không được DN bảo vệ quyền lợi. Trên thực tế, nhiều DN sau khi đưa người ra nước ngoài đã “đem con bỏ chợ”; công ăn, việc làm, thu nhập của NLĐ không như cam kết trong hợp đồng. Tại công văn gửi các DN nói trên, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng thừa nhận các vụ việc xảy ra thường rơi vào những trường hợp tranh chấp mà DN không kịp thời xử lý.

“Góp phần” vào tình trạng trên là phần đông các DN chưa thực sự coi trọng giáo dục nhận thức, ý thức công dân đối với NLĐ khi ra nước ngoài làm việc. Phổ biến trong các DN là trước khi xuất cảnh, NLĐ chỉ được tập trung học giáo dục định hướng vài buổi chiếu lệ về  đất nước, con người, phong tục tập quán, nội quy lao động ở nước sẽ đến làm việc... DN gần như không chú trọng đến nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, cảnh báo, hỗ trợ NLĐ khi bị kích động, lôi kéo đình công... Giám đốc một DN tại TPHCM cho rằng XKLĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng nếu làm không tốt, không giải quyết những yếu kém từ DN  thì các vụ việc phức tạp vẫn cứ xảy ra.

Lao động nữ Việt Nam tại một ký túc xá ở Malaysia (ảnh có tính chất minh họa)
 Không nên nhờ các tổ chức phản động
CAMSA (Mỹ) do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu với 5 tổ chức thành viên gồm BPSOS, Ủy ban Bảo vệ người lao động VN (Mỹ), Tanagatina (Malaysia và Đài Loan), Hội Người Việt tại Canada, Hiệp hội Nhân quyền quốc tế (Đức) được xác định là những tổ chức thường xuyên can thiệp, lôi kéo kích động lao động Việt Nam ở nước ngoài. Các tổ chức này thường kết hợp với một vài tổ chức bất vụ lợi hoặc nhà thờ do người Việt sáng lập để tiến hành các vụ việc.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, NLĐ không nên tìm đến các tổ chức nói trên. Khi có vụ việc tranh chấp xảy ra, nên yêu cầu DN can thiệp. Trong những vụ việc phức tạp, Ban Quản lý lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sẽ tích cực hỗ trợ.