Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Phớt lờ tất cả & Bơ đi mà sống

Được viết bởi: Lê Hồng Lâm |


Đầu năm mới, ngồi gõ 5 bài viết đọc thấy tâm đắc nhất (trên 40 bài viết ngắn) trong tập sách Ignore Everybody (Bản tiếng Việt của Alphabooks dịch nhan đề khá thú vị “Phớt lờ tất cả & Bơ đi mà sống”) của Hugh Macleod tặng các bạn hiền, coi như quà lì xì đầu năm. :D
1. Càng tài giỏi, người ta càng ít cần đến những thứ hỗ trợ
Tôi không ngạc nhiên chút nào khi gặp ai đó viết một kiệt tác lên mặt sau thực đơn nhà hàng. Nhưng tôi sẽ cực kỳ ngạc nhiên nếu gặp một người sử dụng cây bút Cartier bằng bạc viết nên kiệt tác trên chiếc bàn cổ trong căn gác lộng gió giữa trung tâm London.
Abraham Lincoln viết Diễn văn Gettysburg trên một mảnh bàn bình thường mượn được từ người bạn ông đang ở nhờ.
Ernest Hemingway sử dụng một cây bút mực rất giản dị. Người khác thì đánh máy, nhưng phải đến mãi về sau.
Van Gogh hiếm khi dùng quá sáu loại màu trên bảng vẽ.
Tôi vẽ lên mặt sau tấm danh thiếp nhỏ xíu. Bất cứ cái gì.
Chẳng có mối liên hệ nào giữa sức sáng tạo và quyền sở hữu thiết bị nào cả. Chẳng. Không. Không hề.
Trên thực tế, khi người nghệ sĩ dấn sâu hơn vào lĩnh vực của mình và trở nên thành công hơn, số lượng công cụ sẽ có xu hướng giảm xuống. Nàng biết điều gì là cần thiết cho mình. Dốc hết tấm trí vào công cụ chỉ tổ mất thời gian. Nàng có một thời hạn phải hoàn thành. Nàng có một khách hàng giàu sụ ở sát ngay sau lưng. Điều cuối cùng nàng muốn là bỏ ra ba tuần để học cách sử dụng khoan cho dù chẳng cần phải làm vậy.
Công cụ tốt chỉ mang lại cho những kẻ loại hai thêm một cây cột nữa để nấp mà thôi.
Đấy là lý do tại sao lại có nhiều giám đốc nghệ thuật loại hai sử dụng máy tính Macintosh xịn đến vậy.
Đấy là lý do tại sao lại có nhiều người viết văn thuê sử dụng máy tính xách tay đời mới đến vậy.
Đấy là lý do tại sao lại có nhiều nhiếp ảnh gia nửa mùa sử dụng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại đến vậy.
Đấy là lý do tại sao có nhiều họa sỹ tầm thường sở hữu những phòng vẽ đắt tiền trong những khu dân cư thời thượng đến vậy.
Toàn một lũ nấp cột.
Cột chẳng giúp ích gì được cả, chúng chỉ cản dường họ mà thôi. Cây cột càng vững vàng, tâm lý bạn càng phụ thuộc vào nó, và nó càng cản trở bạn nhiều hơn.
Điều này cũng có thể áp dụng cho kinh doanh.
Đấy là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp thất bại đến vậy dù họ sở hữu những khu văn phòng long lanh.
Đấy là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp thất bại đến vật dù họ dốc cả gia sản vào những bộ cánh lịch thiệp và mua thẻ hội viên câu lạc bộ du thuyền đắt đỏ.
Một lần nữa, lại nấp cột.
Người thành đạt, nghệ sĩ cũng như không phải nghệ sĩ, rất giỏi trong việc phát hiện cột. Họ rất giỏi làm việc trong môi trường không có cột. Thậm chí quan trọng hơn, khi vừa phát hiện ra cây cột, họ cũng rất giỏi trong việc nhanh chóng loại bỏ nó.
Kiểm soát tốt các cây cột là một trong những phẩm chất quý giá nhất bạn có thể có được trên hành tinh này. Nếu bạn có, tôi ghen tị với bạn. Nếu không, tôi sẽ thấy thương hại bạn.
Chắc chắn rồi, chẳng có ai hoàn hảo ở trên đời. Chúng ta ai cũng có cây cột của riêng mình. Có vẻ như chúng ta cần đến chúng. Bạn sẽ chẳng bao giờ sống được nếu không có cột. Tôi cũng vậy.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là liên tục đặt câu hỏi “Đây có phải là một cây cột hay không?” đối với bất cứ khía cạnh nào trong việc kinh doanh, trong nghề nghiệp, trong mục đích sống, rồi tiếp bước từ đó. Hỏi càng nhiều, chúng ta càng giỏi trong việc phát hiện cột, và đám cột càng nhanh chóng biến mất.
Hãy đặt câu hỏi. Liên tục hỏi. Hỏi đi hỏi lại. Ngừng hỏi là bạn toi rồi.
2. Bất cứ bạn chọn cái gì, quỷ sứ cũng có phần của nó
Quay đầu ở Hollywood là phải trả giá. Không thay đổi cũng vậy. Dù quay đầu hay không, bạn vẫn phải trả đủ, và vâng, tất nhiên với cái giá khủng khiếp.
Mọi người rất thích phun ra câu sáo ngữ về việc Van Gogh không bao giờ bán được bức tranh nào trong suốt cuộc đời mình. Dù sao đi nữa, tấm gương của ông cũng chứng minh cho chúng ta, những kẻ sống sau ông nhiều thập kỷ, rằng thất bại tuyệt đối cũng có cái hay của nó.
Có lẽ thế, nhưng ông đã tự tử. Giá tranh của ông tăng vọt không lâu sau cái chết của ông. Nếu ông quyết định sống thêm vài chục năm nữa, chắc ông sẽ có một khoản khá khá để dưỡng già. Và điều thật đáng buồn đối với thất bại khắp nơi là câu sáo ngữ này đã mất đi khá nhiều sức mạnh của nó.
Thực tế là các câu sáo ngữ chỉ có ý nghĩa trừu tượng với chúng ta mà thôi, còn trong đời thực lại không phải như vậy. Cuộc sống là một mớ hỗn độn, bẩn thỉu, còn sáo ngữ lại sạch sẽ và ngăn nắp.
Tất nhiên, không có “con đường đúng đắn” nào để trở thành họa sĩ, nhà văn, nhà làm phim, hay bất cứ nhà gì bạn mơ ước. Bất kể bạn noi theo tấm gương nào – Warhol danh tiếng và quyến rũ hay Van Gogh nghèo nàn khốn khổ – cũng đều tuyệt đối không quan trọng một chút nào.
Bất cứ thái cực nào cũng có thể đưa bạn lên tới đỉnh cao huy hoàng nhất nhưng cũng có thể hủy hoại bạn hoàn toàn. Tôi không biết câu trả lời, cũng chẳng có bất kỳ ai biết cả. Không có ai ngoài bạn và Thượng đế biết được tại sao bạn lại hiện diện trên cõi đời này, và thậm chí…
Vì vậy, khi một thanh niên hỏi tôi cách nào tốt hơn – quay đầu hay giữ vững lập trường – tôi không biết phải trả lời thế nào cả. Warhol quay đầu một cách vô liêm sỉ sau năm 1968 (năm ông ta bị thương vì một viên đạn mưu sát) và nhờ đó làm ăn rất ổn. Tôi biết một số nghệ sĩ lớn rất kiên định giữ vững lập trường, và kết quả là họ ngày càng đáng thương.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành một người xả thân vì lý tưởng. Bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ hoài nghi. Phần bất biên nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này – đấy chính là phần con người.
3. Thực hành tiết kiệm
Bạn càng bớt chi tiêu, ý tưởng của bạn càng có cơ hội thành công. Điều này đúng ngay cả khi bạn đã “thành công”.
Năm 1997, tôi tìm được công việc mơ ước. Một chân viết quảng cáo lương cao. Căn hộ rộng rãi ở New York. NHững bữa tiệc hoành tráng, một nền tảng hấp dẫn. Tất cả tập trung cho bài viết về cuộc sống sành điệu ở thành phố. Tất cả đều tốt đẹp.
Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù được trả lương cao, tôi vẫn cháy túi vào cuối tháng. Cuộc sống ở New York rất đắt đỏ, và tôi quyết định nếm trải nó một cách đầy đủ. Tôi chắc trăm phần trăm là chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Như người ta nói, học phí bao giờ cũng đắt đỏ. Và rốt cuộc tôi là người trả mức học phí cao nhất.
Vì lẽ tất nhiên, một ngày nọ cơn suy thoái ập đến, công việc trở nên khan hiếm, và tôi suýt phải ra đường. Nếu tôi sống tằn tiện hơn một chút, chắn hẳn tôi đã vượt qua thời kỳ giông bão bày dễ dàng hơn.
Ngoài đời có rất nhiều người giống như tôi hồi ở New York, kiếm được rất nhiều tiền nhưng tiêu vèo một cái đã hết. Bạn càng lớn tuổi thì càng bớt ghen tị với họ. Chắn chắn rồi, họ vào các nhà hàng sang trọng năm lần mỗi tuần, nhưng họ phải chi đậm để có được đặc quyền đó. Họ không đủ tiền để bảo với sếp mình cứ thoải mái đi chơi. Họ không đủ tiền để khỏi hoảng hốt khi công việc đình trệ một vài tháng.
Là người sáng tạo, bạn phải học được cách bảo vệ tự do của chính mình. Điều đó bao gồm cả việc bạn giải phóng bản thân khỏi tính tham lam.
Không ai đến New York chỉ để tồn tại… tất nhiên, cuối cùng phần lớn bọn họ lại chỉ mong được thế…
Câu hỏi lớn: cần phải làm gì khi thành phố vĩ đại nhất thế giới khiến bạn kiệt quệ nhưng bạn vẫn phải sống ở đó.
4. Đừng để công việc già theo bạn
Bạn già nhanh hơn bạn tưởng. Hãy sẵn sàng đón nhận khi tuổi già ập tới.
Tôi có một người bạn. Anh ấy tên là Dan.
Lần đầu tiên tôi gặp Dan, anh là một nhà làm phim hai mươi chín tuổi đầy tham vọng, sống trong căn hộ một phòng ngủ ở vùng Hạ Đông New York, thích dành phần lớn thời gian lê la ở các quán bar.
Lần gần đây nhất tôi gặp lại Dan, anh là một nhà làm phim bốn mươi mốt tuổi đầy tham vọng, sống trong căn hộ một phòng ngủ ở vùng Hạ Đông New York, thích dành phần lớn thời gian lê la ở quán bar.
Người xưa có câu châm biếm nổi tiếng thế này: “Trong kinh doanh, nhiều người nói rằng họ có hai mươi năm kinh nghiệm, trong khi thực tế họ chỉ có một năm kinh nghiệm, lặp đi lặp lại hai mươi lần.”
Thật không may là không chỉ có dân kinh doanh mới rơi vào cái bẫy này. Nó khá phổ biến ngay cả với những người đi theo con đường ít truyền thống hơn. Thật buồn khi phải chứng kiến điều này xảy ra với bạn bè mình. Nhưng khi điều này xảy ra với mình thì còn buồn hơn nữa.
Tin tốt là muốn tránh được cũng không quá khó. Đặc biệt là khi bạn có kinh nghiệm. Bỗng nhiên bạn nhận ra mình không còn hào hứng như trước nữa. Bạn đã quen với việc thức khuya, tiệc tùng, vậy mà bây giờ bạn chỉ muốn ở nhà đọc sách. Chắc chắn rồi, nghe có vẻ nhàm chán, nhưng này, đôi khi “nhàm chán” có thể mang theo rất nhiều niềm vui. Đặc biệt là khi bạn chỉ có một mình.
Hãy thả mình theo dòng nước và đừng lo lắng vấn đề này. Đặc biệt là đừng lo lắng về những người đang lo lắng về vấn đề này. Họ chỉ cản chân bạn mà thôi.
5. Phần khó nhất của sáng tạo và quen với trạng thái sáng tạo.
Nếu trong bạn có ham muốn sáng tạo, nó sẽ không mất đi đâu cả. Nhưng đôi khi cũng phải mất chút thời gian trước khi bạn chấp nhận điều này.
Hồi năm 1989, tôi sống ở phía Tây London, trong coi căn hộ nhỏ xinh xắn cho một người bà con suốt thời gian mùa hè. Sống trong căn hộ ngay trên đầu là đạo diễn điện ảnh Tim Burton, ở đây vài tháng để thực hiện bộ phim Batman: The Movie.
Trong năm đó, chúng tôi biết về nhau khá rõ.Dù không thân thiết gì, nhưng chúng tôi nhìn thấy nhau suốt. Ông là một hàng xóm khá tốt bụng, và tôi cố gắng để được như thế.
Lúc đó tôi đang học năm cuối đại học, dùi mài đèn sách để trở thành một người viết bài quảng cáo. Một tối nọ, ông cùng vợ sang nhà ăn tối.
Đâu đó trong câu chuyện bắt đầu đề cập đến đề tài lựa chọn sự nghiệp của tôi. Hồi đó, tôi còn hơi e ngại vấn đề thực hiện cái gì đó mang tính “sáng tạo” để kiếm sống… Trong gia đình tôi, mọi người ai cũng có công việc “ổn định” trong các doanh nghiệp hay ngân hàng, vv…vv vì thế, ý nghĩ phá vỡ truyền thống khiến tôi cảm thấy khá lo lắng.
“Thì đấy,” Tim nói, “Nếu cậu có đam mê sáng tạo thì nó sẽ chẳng bao giờ mất đi đâu được. Tôi cũng vừa mới quen được với ý nghĩ xử lý với nó.”
Đấy là một lời khuyên cực kỳ bổ ích. Đến tận bây giờ.
                                                         (Nguyễn Khánh Toàn dịch)

 
 

“Hugh Macleod là một họa sỹ chuyên thiết kế quảng cáo và vẽ tranh biếm họa. Ông lập ra blog gapingvoid.com năm 2001, đưa lên đó cả tranh biếm họa và các bài viết của mình. Ông đã sáng tạo ra kiểu vẽ tranh biếm họa đưa lên mặt sau danh thiếp, để có thể vẽ bất cứ lúc nào, ngay khi ý tưởng xuất hiện.” (Trích lời giới thiệu bìa gấp).
Trang blog của Hugh Macleod: http://www.gapingvoid.com/ 
Một vài biếm họa mặt sau danh thiếp của Hugh:
 
 



 






(nguồn: blog.yume.vn)